DONG HUONG THE CHI TAY http://thechitay.com

Mùa mưa lũ và nếp nghĩ của người Huế
16.09.2012

Mùa mưa lụt đang cận kề. Bên cạnh việc triển khai các phương án sống chung với lụt bão hàng năm, người dân cần sớm chuẩn bị cho gia đình mình một tâm thế sẵn sàng, chủ động nguồn dự trữ đầy đủ để đảm bảo an toàn, sức khỏe ở thời điểm trong và sau lũ.


Người dân Huế sống chung với lũ.

Huế đang tiến dần vào những thời điểm thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm (tháng 7-12AL – mùa mưa lụt, bão). Qua nhiều thế hệ, lũ lụt trở thành ký ức, kinh nghiệm sống và nếp văn hoá của hàng vạn gia đình sinh sống dọc triền sông, vùng xung yếu và vùng thấp trũng thường hay bị ngập lụt và chịu tác động của nhiều cơn gió mạnh (bão).

Thông thường, hễ bắt đầu mùa mưa bão, nhiều trung tâm thương mại, chợ khắp thành phố nhộn nhịp hẳn lên. Sự chuẩn bị bắt đầu từ những nhu cầu thiết yếu của đời sống, ví như: các loại thức ăn uống hộp khô, không gian ngủ nghĩ, sinh hoạt gia đình cao ráo, sạch sẽ, an toàn (đảm bảo không có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, ghế bàn dùng để bảo vệ, kê cao các đồ vật khi nước lớn… Bên cạnh sự chuẩn bị tưởng chừng như giản đơn đó, qua nhiều mùa lũ bão, hiện nhiều gia đình vẫn còn khá thiếu sót, thiếu chu toàn trong công tác chuẩn bị tại chỗ các phương án, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt của gia đình và sức khoẻ của các thành viên thức khuya trực lụt (canh mức nước lên xuống).

Một trong số những thiếu sót là việc duy trì tâm lý cố hữu, như: chuẩn bị đồ ăn nhanh bằng gói mì tôm (chủ yếu tập trung ở những gia đình hoàn cảnh không khá giả, đông con, học sinh, sinh viên học xa nhà… và tất nhiên không ngoại trừ trường hợp những gia đình có của ăn của để nhưng cũng sơ sài trong khâu chuẩn bị thực phẩm dinh dưỡng trong mùa lũ bão…!

Mọi người đều nghĩ rằng ăn mì tôm sẽ “đơn giản, tiện dụng” để lót bụng tạm qua bữa, song con số “ bữa” cứ lập lại vào mỗi trận lụt bão (nhiều ngày), chưa kể các yếu tố khác, thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng? Ngoài ra, phải kể đến việc thức khuya canh chừng mức nước và khối lượng công việc nhà quá tải phải làm gấp rút trong khi nước vào/ra, lên/xuống: dọn dẹp đồ đạc, dọn rửa vệ sinh nhà cửa đồ dùng… và do lội lụt tiếp xúc nhiều “nước bạc”, gió lạnh, cộng thêm phải ráng sức bưng kê càng cao càng tốt trong những gia đình ít người… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ.

Để phòng chống hiệu quả với lụt bão ở Huế, thời gian qua, hễ sắp đến mùa lụt bão là chính quyền địa phương lại triển khai sâu rộng phong trào phòng, chống chủ động với nhiều phương án sẵn sàng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt là những khu vực xung yếu, địa hình thấp trũng… Song sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cho bà con “vùng thiệt thòi” dường như vẫn là chưa đủ, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tính tự giác và tinh thần vượt khó “có mưa lũ, bão cũng như không” của người Huế?

Lâu nay, người Huế đều có câu cửa miệng “sống chung với lũ”, nhưng thực tế đang sống chung với lũ trong tâm thái chủ động hay còn hờ hững – nằm trong dự liệu hay vượt xa tầm tay vẫn là một vấn đề cần khảo cứu, lưu tâm. Vấn đề là, chúng ta buộc phải sống chung với lũ bão và chấp nhận chịu nhiều thiệt hại do lũ bão hay sống chung với lũ bão mà không thiệt hại gì nhiều là điều cần có sự chia sẻ cộng đồng. Trong đó, ngoài sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp lãnh đạo, ban ngành chức năng, tinh thần sẻ chia tương thân tương ái trong, sau thiên tai, tinh thần chuẩn bị trước khi thiên tai xảy ra bằng những phương án đối phó, chống chọi, cầm cự hiệu quả và an toàn để không tổn thất trong dân cư: thôn tổ, xóm phường, láng giềng gần… là điều không thể thiếu.

NTTTR(theo baothuathuenhue)



URL của bản tin này::http://thechitay.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1686

© DONG HUONG THE CHI TAY contact: info@mmlabel.com.vn