DONG HUONG THE CHI TAY http://thechitay.com

NGƯỜI QUÊ TÔI Ở XÃ EAHU HUYỆN CƯ KUIN ĐĂK LĂK
02.06.2017

Người dân quê tôi đi làm ăn xa xứ rải rác có nhiều nhưng sống tập trung thành làng thi trước đây có Gia Nghĩa - Đăk Nông di dân rải rác thời Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm dần mà thành, sau 1975 phải kể đến xã Eahu, huyên Cư Kuin - Đăk Lăk.


.

                   Đường làng

Sau 1975, với chính sách "kinh tế mới" của đảng và nhà nước, dân làng Thế Chí di dân đi kinh tế mới cả thảy 3 đợt: Đợt 1 đưa dân lên khu kháng chiến Hòa Mỹ, đợt 2 đưa dân lên Huỳnh Trúc đều thuộc xã Hòa Mỹ, phong Điền TT. Huế, đợt 3 đưa dân vào xã Eahu huyện Krong Ana Dak Lăk (mới đổi thành Cư Kuin năm 2004)

Thời bấy giờ, đi kinh tế mới xem như là nỗi lo của dân làng bởi vùng kinh tế mới đa phần là bãi chiến trường xưa, đất toàn cỏ tranh lẫn bom mình sót lại. Có nhiều người đi khai hoang trồng màu ở Hòa Mỹ bị bom cắt cụt chân ... nên HTX phải đưa ra bình hộ đi kinh tế mới. Đối tượng “được” bình đi kinh tế mới phải kể đến là thành phần "ngụy quân, ngụy quyền" kế đến là gia đình có đông anh em. Hộ nào dân "bình" đi kinh tế mới mà chống lệnh thì coi như HTX không điều đi làm công, mọi quyền lợi ở địa phương coi như bị cắt mặc dù nhà mình vẫn ở đó. Lúc bấy giờ dân gọi những hộ này là "đội 10" ( toàn hợp tác xã có 9 đội, thành phần này không thuộc HTX) Gia đình tôi bị “bình” đợt 2 đi Huỳnh Trúc (Ông nội tôi có 2 anh em) nhưng ba tôi chống lệnh nên thuộc diện này. Sau khoảng 3 năm họ cho vào HTX lại. Năm 1985, bấy giờ tôi ở lính tận bên Lào, xã lại "bình" đi kinh tế mới tiếp, lần này đứa em trai tôi đang độc thân nghe tuyên truyền nói rằng “Ở Đăk Lăk đất tốt, người ta trồng nhiều đậu xanh nên ăn cơm toàn độn đậu xanh”. Ở quê đang ăn độn sắn, nghe nói độn đậu xanh sướng quá vậy là lên đăng ký cho 2 anh em đi Eahu cùng với khoảng 50 hộ dân làng góp với dân Quảng Thái, Điền Lộc mỗi xã khoảng mươi hộ. Có một sự kiên là khi xe đang lăn bánh trên đường vào Đăk Lăk thì cơn bão ập đến thiệt hại nặng, làm đổ nhiều nhà cửa ở quê trong đó có nhà của ba tôi.... Đó là các hộ vào ban đầu, một thời gian sau, dân làng từ xã Hòa Mỹ hoặc các nơi khác làm ăn khó khăn kéo nhau vào Eahu… đầu tiên họ làm thuê làm mướn tích lũy ít vốn liếng, sau khai phá đất đai, đầu tư vốn làm rẫy. Người quê tôi cứ góp mặt dần dần thành làng xóm như hiện nay.

Nếu bạn đi từ TP. Buôn Ma Thuột, theo quốc lộ 27 khoảng 30km đến ngã tư Hòa Hiệp (nơi đây có nhà nghỉ Vua Bảo Đại mỗi lần đi săn bắn) rẽ trái đi thêm 7km thì đến Eahu.
Còn nhớ tháng 8 năm 1986, vừa ra quân lần đầu tiên tôi vào thăm em ở Eahu, đi xe đò từ Thị xã BMT theo quốc lộ 27 toàn bùn lầy, có nơi tạo thành vũng rộng cỡ bằng cái ao nhỏ! Xe đến Hòa Hiệp là bến đỗ cuối cùng. Đoàn người vào Eahu chúng tôi mỗi người tìm một cây gậy chống để đi hết đoạn đường khoảng 7km. Cực nhất là đất bùn dính vào đế dép bám chặt, cứ đi một đoạn phải dừng lại gọt đất bùn kẻo nhấc chân không nổi. Vào đến nhà 2 đứa em vừa đúng 12h00. Gọi là nhà chứ kỳ thực như là một cái chòi lá. Trên lợp tranh, xung quanh thưng cót tre thưa nhìn ra ngoài qua khe hở được. Có vài chỗ bị thủng, đêm đến gió thổi lạnh thấu xương! Trong nhà giá trị nhất là cái sập đựng lúa nhưng không có lúa và một cái giường gỗ mà đứa em trai đi xẻ ván được! Nhìn 2 đứa em ốm nhách, da dẻ xanh xao, tay chân đầy ghẻ mà thương em ứa nước mắt! Sau khoảng 8 năm, em trai tôi lúc ấy đã có vợ 2 con bán đất và nhà ở Eahu về Buôn Hồ lập nghiệp cho đến nay.

Dân làng tôi ở Eahu tuy tha hương lập nghiệp nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc quê hương từ văn hóa cho đến giọng nói. Nơi đây tình làng nghĩa xóm vẫn còn rất sâu đậm. Điều đó được thể hiện trong những dịp ma chay, cưới hỏi hầu như một nhà có việc là có mặt cả làng! Thậm chí, từ Eahu ra Buôn Ma Thuột đi lại khó khăn là thế nhưng mỗi khi dân làng tôi ở BMT có việc là họ đều tham dự khá đông đủ. Về giọng nói, ở Eahu, có chuyện vui không biết bạn tôi nghe lỏm đâu đem kể rằng có cháu gái khoảng chừng 14 tuổi từ nhỏ chẳng được đi đâu, một hôm được mẹ cho đi chợ Hòa Hiệp (Chợ thị trấn) sau về khoe lại với mấy đứa bạn cùng trang lứa như là một phát hiện mới:
-Mi nạ, mi nạ! Tau đi chợ Hòa Hiệp với mạ tau, tau chộ họ hỏi mua bán “Cái này giá bao nhiêu?” nghe mờ sa……a…ng! Trong Eahu mềnh thì hỏi “cấy ni mấy, cấy ni mấy?”

Mảnh đất nơi đây tuy nghèo nhưng tình nghĩa, dân xã khác không nói chứ riêng dân làng tôi vào đây lập nghiệp sau 31 năm nếu đếm trên đầu ngón tay chỉ được khoảng mười hộ có kinh tế vững vàng tập trung vào các hộ kinh doanh buôn bán và cán bộ giáo viên … còn lại đa số chỉ đắp đổi qua ngày. Bạn tôi người ở đó bảo rằng: “Eahu tuy nghèo nhưng dân làng đi đâu sa cơ thất thế cũng đều quay về đây làm lại từ đầu và đều được dân làng đón nhận” Cái hay là ở chỗ tình làng nghĩa xóm đùm bọc nhau!

Hệ thống giao thông của xã sau 30 năm kể từ năm 1986 tôi có mặt ở đây cho đến nay vẫn không được cải thiện là mấy, toàn xã chỉ được con đường liên thôn chạy qua Cư Evi còn lại vẫn đường đất lầy lội quanh co chứ không có qui hoạch gì cho bài bản! Thế mới biết khi đưa dân đi kinh tế mới, người ta không có qui hoạch tổng thể ban đầu, bây giờ dân mạnh ai nấy làm đã hình thành vườn tược, nhà cửa rồi nếu sửa lại rất khó khăn!

Tôi thắc mắc “tại sao ngày trước cán bộ huyện Phong Điền vào nhận đất đưa dân đi kinh tế mới không tìm chỗ nào khá hơn mà vào tận Eahu, đường sá giao thông khó khăn, đất đai ở đây cũng không được phì nhiêu cho lắm”! Bạn tôi nói “Ngày xưa cứ nghe theo chủ trương trên phân sao thì nhận vậy chứ đâu biết lựa chọn!”

          Một đám cưới trên đường quê 

 

Đã qua đi thời vất vả gian nan, hiện dân quê tôi ở Eahu nhiều nhà có con cháu thành đạt nơi Saigon, thậm chí cả ở nước ngoài tuy nhiên mặt bằng chung là đắp đổi qua ngày và điều đọng lại duy nhất, có lẽ theo tôi đó là dù nghèo nhưng luôn trọng tình làng nghĩa xóm!

Đặng Đăng Phước



URL của bản tin này::http://thechitay.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1896

© DONG HUONG THE CHI TAY contact: info@mmlabel.com.vn