Ngồi bệt tránh nắng trước cổng Trường ĐH Khoa học, anh Lành Văn Liễu, một phụ huynh từ Phú Yên đi thi cho biết: “Đưa con đi thi 2 đợt cũng tốn kém lắm, cả 2 vợ chồng phải dành dụm để đưa con đi thi”. Còn chị Nguyễn Thị Hưng ngồi bên cạnh thì cho biết, 2 vợ chồng chị đều là giáo viên cấp 1 ở Nghệ An, “tiền lương giáo viên không nhiều nên cũng phải chuẩn bị cả năm, cả tiền cho cháu học hành, ôn thi nữa. Bố mẹ vất vả không sao, chỉ mong con học tập thành người”, chị Hưng chia sẻ.

Ở trong con làm bài
Trong phòng con làm bài. Ở ngoài, cha mẹ ngóng. Rất rất nhiều phụ huynh, đã thuê nhà trọ, có hẳn một nơi để nghỉ ngơi, vậy mà chẳng ở yên ở nhà, ai cũng sẵn lòng chờ con từ phút đầu đến phút cuối ngay các vỉa hè bên ngoài trường thi. Nói chuyện, làm quen, đọc báo, hay chia sẻ với nhau những nỗi niềm đưa con đi thi cho mau hết giờ, nhưng trong lòng ai hẳn cũng đau đáu một nỗi lo: không biết con mình có làm được bài trong phòng thi hay không…
Cha mẹ nào chẳng thuơng con. Người có điều kiện lo theo kiểu có điều kiện, đỡ vất vả hơn. Cha mẹ nghèo thì phải bươn chải và lo theo kiểu nhà nghèo, càng vất vả. ĐH Huế tuyển sinh phần lớn ở khu vực miền Trung, mà miền Trung thì nhiều học trò nghèo. Trong số những bậc cha mẹ đưa con đi thi này, rất nhiều người là nông dân chân lấm tay bùn, nhiều người là công nhân, hay chạy chợ lo ăn từng bữa. Nhưng với họ, con cái mới là tài sản quí giá nhất. Bởi vậy, dù có lam lũ, vất vả bao nhiêu, nhưng để lo cho con được học tập bằng người, có ước mơ và hoài bão đẹp, thì cha mẹ cũng sẵn lòng vượt qua.
Ở ngoài cha mẹ ngóng…
Cũng như nhiều phụ huynh khác, ngồi dựa vào tường rào trước điểm thi chờ con, chị Nguyễn Thị Thanh, đưa con đi thi từ Hà Tĩnh cho biết, gia đình chị làm nông, có đến 4 con đang tuổi ăn học. “Cháu này là cháu thứ 2, cháu đầu đang học đại học rồi. Làm nông nuôi con ăn học vất vả lắm nhưng vợ chồng tôi vẫn cố, để cháu không thiệt thòi so với bạn bè. Chúng tôi vẫn nói với cháu, chỉ có học mới có tương lai, chứ làm ruộng như bố mẹ thì khổ suốt đời, không cất mặt lên được”, giọng nói trọ trẹ xứ Nghệ, chị Thanh vừa nói vừa rưng rưng.
Kỳ thi đại học nhiều năm qua đã chứng minh một điều rằng, có rất nhiều học sinh nghèo học giỏi, thi đỗ và đỗ thủ khoa vào các trường đại học. Thì ra điều kiện kinh tế chỉ là một phần, điều quan trọng hơn là nghị lực của các bạn trẻ, và sức mạnh tinh thần, niềm tin được truyền từ chính sự vất vả, đồng hành cùng con của các bậc cha mẹ.
Nhưng cũng có một sự thật rằng, không ít thí sinh vẫn chưa thật sự nỗ lực, nghiêm túc với việc học tập và thi cử của mình. Có nghĩa là bạn chưa thật sự có trách nhiệm với tương lai của mình, đã được đánh đổi bằng bao công sức, nỗi lo và tình yêu thương của cha mẹ.
Bằng chứng là vẫn có nhiều thí sinh vi phạm qui chế thi cử. Nhiều người đi thi mà không học bài. Nhiều người không lượng được sức mình, cố thi vào những trường không một mảy may hy vọng…
Các bạn yên tâm, cha mẹ sẽ không trách con mình đâu. Họ lại nuôi hy vọng cho con một cơ hội khác.
Kết thúc kỳ thi đại học là thi tuyển sinh vào các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Và cũng còn nhiều cơ hội ở ngoài trường học cho những ai thực sự có quyết tâm trưởng thành với một nghề nghiệp chính đáng trong tay.
Vậy thì còn chờ gì nữa, hãy hạ quyết tâm ngay cả khi bạn đã bỏ lỡ kỳ thi này./.
ĐVK
Theo Nguyên Thu - TRT
|