Trang chủ  
  Lời ngỏ  
  Đồng hương  
  Họ tộc  
  Tư liệu  
  Hình ảnh  
  Gửi bài viết  
  Thông báo chung  
Tin tức
Thứ tư, ngày 24/04/2024
  Warning: file_put_contents(./cache/viewst1786.php): failed to open stream: Permission denied in /home/tchitay/domains/thechitay.com/public_html/classes/cache2.class.php on line 42
NẾP LÀNG [30.12.2013 17:28]
Xem hình
Đồng quê

Đi nhiều nơi, ngang tàng nhiều nơi, nhưng về đến làng là tôi khép nép hẳn.

Bằng con mắt phong thủy, nhà văn Nguyễn Quang Vinh bảo làng tôi vượng khí. Sau lưng là biển, trước mặt là sông, làng dựa lưng vào cát. Nó là một doi cát kéo dài từ Quảng Trị xuống Thuận An, làng tôi loi thoi ở đoạn cuối sông (Ô Lâu), đầu phá (Tam Giang), như một cái lá dương xỉ vươn trong nước bạc. Những hàng dừa và phi lao rất đẹp uốn mình trong gió. Trước khi đổ xuống đập Cửa Lác hòa vào phá Tam Giang, sông Ô Lâu chảy qua nhiều làng rất đẹp và nổi tiếng, trong đó có làng Ưu Điềm, nơi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sinh ra, chảy qua đất Phong Chương quê cụ Nguyễn Tri Phương, xuống một tí nó qua làng đại tướng Nguyễn Chí Thanh, làng nhà thơ Tố Hữu...

Đường làng với hai hàng dừa

Tôi cũng không rõ các cụ đã đến làng này từ khi nào, chỉ biết, tra gia phả thì họ của tôi hơn 600 năm trước phát tích từ Nghệ An, thị xã Hoàng Mai, lần hồi xuôi Nam, đến đây thì một nhánh dừng lại, cùng các họ khác lập nên làng. Ban đầu, làng có tên là Thế Chí, sau chắc làng lớn dần nên chia đôi, nửa làng phía dưới gọi Thế Chí Đông, làng tôi là Thế Chí Tây. Sau này xóa làng, đặt tên mới cho xã và đặt tên đội theo số thứ tự, nhưng tôi, vẫn rất trân trọng khai trong lý lịch và các giấy tờ tùy thân làng Thế Chí Tây - dù thời gian tôi sống ở làng tính số năm chưa quá một bàn tay.

 

Tôi biết Thế Chí Tây từ ký ức của ba tôi. Năm 1953, ông ra Bắc - ra từ năm 1953 chứ không phải 1954 tập kết như những người khác - mang theo ký ức về làng, và truyền lại một cách say mê cho anh em tôi. Năm 1975 thì biết quê lần đầu, thú thực quê hồi ấy nghèo lắm, nghèo không thể tả. Tôi được mẹ phái vào thám thính, nếu thấy được thì chuyển cả nhà về quê, nếu không thì ở ngoài Bắc, không về. Nhà tôi chỉ có 4 người, ba mẹ và 2 anh em tôi…

Đụng rơm, nét riêng ở làng quê.

Hồi ấy chưa điện, chưa nước máy, chưa đường nhựa… Ấn tượng đầu tiên của tôi là làng luôn thơm mùi nhang. Có cảm giác mùi nhang phảng phất khắp làng. Giờ thi thoảng về tìm lại không thấy cái mùi mê hoặc một thời ấy nữa. Nó như ru con người vào một cõi khác, lâng lâng và lạ lùng, như đang ở cõi khác, siêu thoát nhẹ nhõm thanh bình. Về mấy ngày liên tục được mời đi ăn giỗ và cưới. Đặc biệt là giỗ. Giỗ quê thời đói kém, nhà nghèo thì bánh canh cá lóc, nhà khá hơn tí thì mỗi mâm một con gà, họ làm kiểu gì mà ngồi nhìn mãi không thấy thịt gà đâu. Thì ra nó đã được thái rất nhỏ làm gia vị cho các món xào, canh. Nhà khá hơn nữa thì mổ heo, cỗ xôi heo. Mỗi mâm như thế một nửa là xôi, nửa còn lại là thịt heo luộc xếp chồng chất lên nhau. Bù lại là trịnh trọng, luôn luôn trịnh trọng. Các bác, các cụ đang đánh trần ngoài ruộng, đến giờ là về thay đồ, khăn đóng áo dài đến kỵ. Có bà cặp dép vào nách, đến nhà mới xỏ vào. Rất thứ tự vào lạy theo hướng dẫn của một người thạo việc. Và lạy rất bài bản, đủ 4 lạy chứ không đứng vái vái mấy cái như tôi đã từng. Nhà táp lô lợp tôn, thấp lụp xụp, chật chội. Mùa hè nóng nhễ nhãi, thế mà bác nào bác nấy rất kính cẩn, vẫn áo dài khăn đóng ngồi cỗ. Thứ tự ngồi từ trong ra ngoài, bác to nhất ngồi bàn trong cùng, giáp bàn thờ, là chỗ nóng nhất, tối nhất, chật nhất… nhưng đấy là lệ. Lệ làng là phải theo. Một hôm có việc gì đấy, có mấy bác đến xem gia phả. Tôi thấy bác nào bác nấy cũng áo dài khăn đóng, đến thắp hương lạy rồi mới lấy cái ống trong có gia phả ra xem. Tôi được mon men đến để hầu khi đang áo ba lỗ quần soóc, ba tôi nghiêm mặt nhắc phải thay đồ đã. Ở quê tôi giỗ là giỗ, nhậu là nhậu, nên ngay khi đủ mâm thì dọn cỗ lên, trong đó có cơm, uống rất ít dù sẵn bia rượu, vì thế mà ít thấy cãi lộn trong ăn giỗ như các nơi khác.

 

Ngồi ngắm các bác thời cỗ cũng có nhiều chuyện để ngẫm. Các bác đều khăn đóng áo dài, quần trắng, các bà các cô cũng thế, phần lớn là áo dài màu lam. Nói năng rất từ tốn nhỏ nhẹ, rì rầm chuyện họ, chuyện làng. Phần lớn là các bác chỉ mặc đồ trong từ nhà, là một bộ đồ trắng toát, còn áo dài và khăn thì cho vào túi, đến nơi mới mặc. Ăn kỵ xong lại… cởi ra cho vào túi, treo ghi đông xe phóng về.

Cũng nói thêm, kỵ không chỉ là để cúng ông bà, mà còn là dịp để anh em, bà con cháu chắt về gặp nhau. Đêm trước kỵ, các nhà bà con liên quan mang sản vật đến góp. Không bắt buộc nên nhà ai có gì mang nấy tùy tình hình. Thời đói kém thì mang gạo, giờ thì có khi cặp vịt, cân giò. Sáng sau thì mỗi gia đình bà con cử một người có mặt giúp làm cỗ. Phụ nữ thì đi chợ, nấu ăn, nam giới thì kê dọn bàn ghế, sắp cỗ. Không phải ai cũng biết sắp cỗ. Quê tôi khi cúng thì ít nhất trên bàn thờ phải 2 mâm, trong nhà kê 3 cái bàn giăng ngang bàn thờ là 3 mâm, ngoài sân ít nhất 3 mâm nữa, am ngoài vườn 1 mâm nữa, vị chi ít nhất phải 9 mâm. Phải đứng cúng đủ trước 9 mâm ấy. Mỗi mâm rất nhiều món mà lại sắp nhiều mâm, nhìn hoa cả mắt nên phải có một ông rất thạo việc trong nhà chỉ huy.

 

Rồi ai vào cúng trước cúng sau cũng phải có người có uy tín chỉ đạo để tất cả mọi việc nhịp nhàng chuẩn xác.

 

Té ra cỗ quê, nó không chỉ là cỗ, mà nó là lớp lang họ tộc, là ấm áp họ hàng, là thân tình làng nước, và ở cõi sâu thẳm nhất, nó làm ta rưng rưng khi nhớ tới người đã khuất và cũng trao gửi sự tin yêu lẫn nhau, sự kính trọng nhau của anh em trong nhà nhân dịp này mà tụ họp. Nó là sợi dây níu kéo những người ruột thịt, từ một mái nhà, chia ra, tứ tán, giờ hợp lại, vẫn dưới mái nhà ấy, vẫn sự chở che của cha mẹ, cho dẫu ra ngoài có người là ông nọ bà kia.

 

Và đấy chính là nơi hun đúc và gìn giữ cội nguồn Việt của chúng ta…

 

Cúng ngụ lại cũng là một nét văn hóa khó quên của làng, của quan niệm bán anh em xa mua láng giềng gần.

 

Thường thì sau 23 tháng chạp, chọn một ngày nào đó, cả ngụ (ngõ), mỗi nhà cử một vài người làm vệ sinh ngõ. Đổ đất, chặt cây, quét tước, và cuối cùng là cúng. Mỗi nhà góp một ít, cúng xong thì ngồi với nhau. Cả năm đầu tắt mặt tối, tiếng là sát nhau trong ngõ, có gì ới nhau qua hàng rào, nhưng ngồi với nhau ở một cái buổi chiều vừa thanh thản vừa bận rộn như thế này thì chỉ một năm một lần. Cũng khăn đóng áo dài, cũng kính trên nhường dưới, cũng thiêng liêng mà gần gụi... Có những gì xích mích trong năm thì bỏ qua, có gì hiểu lầm thì bày tỏ, rồi ly rượu cuối năm khiến mọi người thấy nhau như người một nhà, tan cuộc cúng ngụ thì thấy Tết như đã tràn ngập…

Sau chuyến ấy khi quay ra Bắc, tôi đã thuyết phục mẹ tôi, một phụ nữ quê Ninh Bình, đồng ý chuyển cả nhà vào quê chồng là làng Thế Chí. Và mẹ tôi đã sống thêm mấy chục năm ở quê chồng trong sự yêu thương kính trọng của tất cả bà con bên chồng. Năm ngoái mẹ mất, đám tang to nhất vùng, đông nhất vùng đã nói lên điều ấy.

 

Giờ làng tôi đã không còn nghèo như xưa. Nhà xây xanh đỏ tím vàng, đường nhựa, bê tông đến từng nhà. Lần rồi về, muốn tìm cây rơm để chụp ảnh mà đi khắp làng mới thấy một cây. Làng như thành phố. Và không thể khác, đấy là xu thế phát triển.

 

Nhưng vẫn may, những đám giỗ, cưới, những cuộc cúng ngụ, cúng đất,… vẫn mang màu sắc như xưa. Vẫn áo dài khăn đóng, vẫn lớp lang phép tắc, vẫn ý nhị kín đáo, xởi lởi xóm làng... Và tôi vẫn thấy mùi nhang trầm đặc trưng lan tỏa khắp làng những ngày đầm ấm ấy…

NTTTR

Bài và ảnh: Văn Công Hùng (baothuathienhue.vn)

 Bản để in  Lưu dạng file  Gởi bạn bè Lượt truy cập: 4516
  Khi sáp nhập hai xã Điền Lộc và Điền Hòa (huyện Phong Điền) thành phường trong tương lai, đô thị này được xác định sẽ là động lực phát triển mới ở phía bắc của Huế.  [19.03.2023 15:28]
  DƯ ĐỊA CHÍ - LÀNG THẾ CHÍ TÂY LÀNG NGHỀ TRỒNG MAI  [16.09.2019 17:16]
  QUYẾT ĐỊNH LÀNG NGHỀ MAI VÀNG THẾ CHÍ TÂY - ĐIỀN HÒA  [03.01.2019 10:37]
  TIẾNG HUẾ-NGƯỜI HUẾ  [18.02.2016 12:48]
  CHƯƠNG TRÌNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VUI XUÂN TẠI LÀNG THẾ CHÍ TÂY XÃ ĐIỀN HÒA  [27.01.2016 10:28]
  Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập hồi đồng hương Điền Hòa - Eahu - Daklak  [14.11.2015 19:11]
  THÔNG BÁO CỦA CÂU LẠC BỘ THƠ  [13.07.2015 17:21]
  PHONG HẢI KHAI MẠC LỄ HỘI CẦU NGƯ  [23.08.2013 14:28]
Chuyển đến trang 1, 2, 3 ... 13, 14, 15  [sau]
 

  TẤM LÒNG VÀNG
  TRI ÂN
  TỪ THIỆN
  KHUYẾN HỌC
  TIN VẬN ĐỘNG
  HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
  HỌC BỔNG & KHEN THƯỞNG

  GIAO LƯU
  Tuyển Dụng
  Gia đình Online
  Nhân Vật - Sự Kiện
  Tác Giả & Tác Phẩm
  CLB Đồng Hương Trẻ
  Sinh Viên & Thanh Niên
  Thế Chí Tây ở Hải Ngoại
  DOANH NGHIỆP DOANH NHÂN
  CÔNG TY
  TƯ NHÂN
  ĐĂNG KÍ GIAN HÀNG

Tra cứu nhà tài trợ
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
[ Xem tất cả ]

Tin tức mới
THƯ MỜI HỌP MẶT MINH NIÊN GIÁP THÌN 2024
BÁO CÁO TỔNG KẾT
THƯ NGÕ CỦA CHÙA THẾ CHÍ TÂY -ĐẠI LỄ TRAI ĐÀN
BÁO CÁO SƠ KẾT CÔNG TÁC TỪ THIỆN NĂM 2023 - NĂM THỨ 11
LAN TỎA YÊU THƯƠNG
Khi sáp nhập hai xã Điền Lộc và Điền Hòa (huyện Phong Điền) thành phường trong tương lai, đô thị này được xác định sẽ là động lực phát triển mới ở phía bắc của Huế.
DANH SÁCH ĐÓNG GÓP MINH NIÊN 2023
ĐỒNG HƯƠNG THẾ CHÍ TÂY TẠI TP. HCM HỌP MẶT ĐẦU NĂM
THƯ MỜI HỌP MẶT MINH NIÊN QUÝ MÃO

Lịch vạn niên

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Dự báo Thời Tiết
Tỷ Giá Ngoại Tệ
Giá Vàng
Chứng khoán

Visitors
 Online: 001
 Hits 000000001
  DANH MỤC TIN TỨC
Ẩm Thực
Học Đường
Bạn Đọc Viết
Khuyến Nông
Văn hóa - Lịch sử
Cáo Phó - Tang Lễ
Thế Giới Quanh Ta
Sức Khỏe Cộng Đồng
Cảm Nhận Quê Hương
Di Tích - Danh Thắng Huế

Video Mới nhất    
Tât niên CLB đồng hương 2013
Mùa Hoa Mai Hẹn - TCT
Bài hát về Điền Hòa quê tôi
Họp Mặt TCT TPHCM Tân Mão 2011
Thế Chí Tây quê tôi
TCTHCM2010-2
TCTHCM2010 - 1
Cọp đón xuân
Thủy Tổ Nguyễn Văn-Lễ tạ lăng
Xem tất cả

Tin xem nhiều    

Chatbox    

Ảnh sinh nhật    

Logo Công ty    

Logo Tư nhân    

Liên kết web    

QUẢNG CÁO    

Sinh Nhật TV CLB    

Nguyễn Văn Nam   15 - 04
Hồ Ngọc Phú   20 - 04
Hồ Thị Kim Anh   20 - 04

Trang chủ | Lời ngỏ | Tin tức | Hình ảnh | Gửi bài viết | Thông báo chung
Copyright 2009 Đồng Hương Thế Chí Tây
Quản trị nội dung trang thông tin các thành viên Đồng Hương Thế Chí Tây.
Design by Vihan