“ Khoai lên vồn tốt củ...”; quê tôi nhà nhà trồng khoai, người người ăn khoai. Khoai lang vốn dễ trồng, cứ lên vồn xong cắm ngọn xuống cũng chẳng phải chăm sóc hay phòng trừ sâu bệnh chi nhiều mà cây cứ lên phơi phới; thoáng chốc đã xanh đồng.Tuổi thơ tôi vui thú nhất là được theo ba mẹ đi bới khoai. Ba bốn tháng kể từ ngày trồng là khoai đã cho củ ăn được. Những cọng rau được cắt gọn gàng dồn thành đống dành cho trâu bò và tiếp đó là công đoạn bới. Ba tôi dùng cuốc xắn lên từng thớ đất to và những chùm củ khoai lộ hình trong ánh mắt vui mừng của con trẻ. Khoai được chất thành từng thúng gánh về nhà. Bà nội lựa những củ ngon nhất cho vào nồi. Những củ khoai đầu mùa ngọt bùi hương vị của đất đai...Nhưng cũng chỉ một bữa đầu tiên thôi, đến bữa thứ hai thì cả mấy anh em tôi đều lắc đầu không muốn ăn khoai nữa...

Tôi thích nhất vẫn là giống khoai lang tím. Giống cây này chỉ thích hợp khi trồng trên đất cát, thân màu tím, lá màu tím và củ cũng màu tím. Giống khoai này rất ít củ, bù lại củ nào cũng ngon lành, vị ngọt đậm đà. Rồi giống khoai Hoàng Long vỏ đỏ, ruột hồng có xuất xứ từ Đà Lạt ăn cũng rất ngon. Rồi các giống khoai trắng, khoai ba tháng... cho củ rất nhiều nhưng ruột lại nhiều xơ.Dân gian có câu “ Được mùa chớ phụ ngô khoai” là bởi khoai có thể luộc ăn, có thể để trên giàn bếp hay xắt nhỏ phơi khô để làm loại lương thực trợ lực cho cơm.
Tuy không thích món khoai luộc nhưng tôi lại rất mê món khoai khô ngào đường trong những ngày mưa rét. Có nhiều bữa mình ăn đến ba bốn chén thay cơm. Tiếc là hồi đó, để có được bánh đường đen để ngào khoai khô đối với một gia đình nông dân như nhà mình cũng không phải là điều dễ dàng...
Nếu như cây khoai lang trồng chủ yếu trên các cánh đồng thấp thì cây sắn trồng ở các cánh đồng cao và trồng trong vườn nhà. Tôi vẫn nhớ đến vụ trồng sắn, nhà nhà gánh từng bó hom sắn lên cánh đồng Trụ Sơn sau rú cát để trồng. Và cũng như khoai cây sắn dễ chiều lòng người, vươn cây, đâm cành rất nhanh chừng 3, 4 tháng thì cho củ. Thực tình củ sắn, mà nhất là giống sắn thân xanh, cành đỏ cho củ to lại bở nên ăn khá ngon. Tôi vẫn nhớ những ngày nghỉ theo mấy đứa bạn chăn trâu vô rú cát chơi, thả trâu cho chúng đi tìm cỏ còn mấy thằng rủ nhau đốt một đống lửa rồi xin sắn nướng ăn. Sắn cũng như khoai nướng than là ăn ngon nhất, thơm nhất. Nhưng nếu như khoai ăn nhiều thì nóng ruột thì sắn ăn quá nhiều thì bị say. Tôi đã chứng kiến thằng bạn say sắn, nôn thốc nôn tháo, mặt trắng bệch ra rất tội nghiệp...
Nếu như khoai phơi khô để ngào đường ăn thì sắn khô chủ yếu trợ lực cho cơm.Tôi còn nhớ cái món sắn xối mỡ của nhà bác Toàn thỉnh thoảng bưng qua làm quà bữa ăn chiều cho nhà tôi. Món sắn xối mỡ được chế biến cũng khá đơn giản, đó là nấu sắn lên, cho vào cối giã cho nhuyễn rồi đổ mỡ đã phi hành vào trộn đều thành một món ngon lại có thêm chất...
Nhưng lạ nhất là cái món vỏ sắn muối chua. Vỏ sắn ăn tươi không được vì độc tính nhưng xắt nhỏ ra rồi muối chua thì có thể nấu canh ăn. Hồi nhỏ tôi rất thích ăn canh chua vỏ sắn, nói ngon thì hơi quá nhưng ăn cũng được, cũng có vị riêng.Cái món canh chua vỏ sắn đó cũng lâu lắm rồi, hồi những năm 1980 khi mà cả làng cùng đói kém…
Nhớ lại một thời những vùng nông thôn thiếu cơm đã nhờ khoai sắn mà vượt qua được những năm dài đói kém. Củ khoai, củ sắn rồi bát sắn xối mỡ, bát canh khoai với hến của mỗi nhà đôi khi được chia sẻ cho nhau như một chút tình quê. Cái tình khoai sắn mới ấm áp làm sao!
Nguồn FB : Phi Tân Lê
|