Trang chủ  
  Lời ngỏ  
  Đồng hương  
  Họ tộc  
  Tư liệu  
  Hình ảnh  
  Gửi bài viết  
  Thông báo chung  
Giao Lưu
Thứ năm, ngày 25/04/2024
  Warning: file_put_contents(./cache/viewst1703.php): failed to open stream: Permission denied in /home/tchitay/domains/thechitay.com/public_html/classes/cache2.class.php on line 42
CHUYẾN ĐÒ THỜI GIAN [07.11.2012 22:07]
Xem hình
Hình minh họa (nguồn SPC)

                   CHUYẾN ĐÒ THỜI GIAN

Kính tặng Cô!

Cô mãi là cô giáo mẫu mực trong trái tim của học trò làng Thế Chí Tây!

Viết bài này vào một đêm thanh vắng, với tâm trạng của một người trò nhỏ luôn yêu quý cô giáo của mình trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi đến cô và các thế hệ thầy cô giáo đi trước tấm lòng biết ơn vô hạn của những đứa học trò nơi miền quê nghèo Thế Chí Tây. Ngoài đường đã vắng tiếng xe cộ, gió đông vẫn giật từng cơn liên hồi....

Nắng chiều tháng tám oi ả, nóng bức, từng giọt mồ hôi nhễ nhại chảy dài trên má, lưng áo ướt đẫm như vừa tắm xong…. Tôi đạp xe len lõi vào dòng người và xe cộ nối nhau đi trên đường phố hối hả cho kịp chuyến đò chiều từ Huế về làng Thế Chí Tây lúc 14 giờ. Trong đầu tôi miên man suy nghĩ về quê hương nơi có cánh đồng lúa vàng ươm đang mùa gặt. Nơi đó có ba mạ tôi và bà con đang tranh thủ cướp trời với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”… vừa gặt lúa vừa chạy lũ. Nghĩ đến đó tôi càng quyết tâm về để đỡ đần cho gia đình trong thời gian được nghỉ học.

Thật may mắn! Tôi kịp đến bến đò Đông Ba cùng vừa lúc đò Chợ Biện chuẩn bị nhổ neo xuất bến. Tìm được cho mình một chỗ ngồi phía sau buồng lái, tôi ngồi ngắm cảnh tấp nập của bến đò Đông Ba, trên bến, dưới thuyền, người lên kẻ xuống vui mắt đáo để…. Hành khách đi đò về các miền quê như Vinh Thanh, Vinh Hương, Vinh Toàn, Vinh Lộc, chợ Vĩnh Tu, chợ Đò, chợ Mới…. Thỉnh thoảng, có tiếng người í ới gọi nhau “ Ai về chợ Mới xuống đây bà con ơi!” “Ai về Vinh Thanh qua đây…”

Ngồi trên đò khoảng được năm phút, đang dõi mắt về phía bến đò, chợt tiếng anh Chắm chủ đò  hỏi “Mấy giờ rồi?” “Hai giờ kém mười lăm” – Một hành khách đáp lại. Anh Chắm đi về phía mũi đò nói to: “Bà con ai về Thế Chí Tây mau xuống đò, đò sắp chạy đây”. Nói xong, anh liền vào khoang máy kiểm tra tình trạng kỹ thuật để chuẩn bị khởi động máy.

          Đúng hai giờ chiều chiếc đò về chợ Biện khởi hành, làn gió nồm trên sông Hương lướt qua làn da nhẹ nhàng làm tôi sảng khoái vô cùng. Tôi lại suy nghĩ đến quê hương mình với hình ảnh hai hàng dừa xanh chạy dọc đường Trưa mát rượi…. Độn cát trải dài nơi đó thuở thiếu niên chúng tôi thường tụ tập để rảo sim, móc, mờn mơn, trù trè hoặc hái trái bi lời để bắn ống bóc. Những kỷ niệm ấu thơ thật là đẹp! 

Đò chạy được khoảng 50 mét, bỗng tôi phát hiện từ xa phía trên đường Huỳnh Thúc Kháng có người đạp xe theo gọi đò…. Từ phía mũi đò có tiếng người nói to” anh Chắm! Ghé lại cho cô Trang về với!” . Chiếc đò giảm tốc độ, rẽ ngoặc vào bờ để lại đằng sau một vệt sóng ngoằn ngoèo xô mạnh về phía bờ.

         Nghe nhắc đến tên cô Trang, tôi nhanh chóng nhảy lên trần đò tiến nhanh về phía mũi. Không kịp chào, tôi liền giúp cô đưa xe đạp và các thứ lên đò để  về làng cho kịp thời gian. Cô vừa ổn định chỗ ngồi liền nói “ cảm ơn em! Xuýt chút nữa cô bị trễ đò!”. Tôi hỏi “ Thưa cô! Cô đi Huế chơi hay có việc chi rứa cô?” “Cô đi thăm người bạn sắp đi xa, lúc ra về cứ bịn rịn mãi, may chút nữa cô bị trễ đò” Ngừng một lát, cô tiếp “Tối ni cô có buổi dạy cho lớp xóa mù ở vùng đầm phá”. Như ước lượng được thời gian, tôi hỏi “ Em nhớ không nhầm thì cô dạy ở lớp xóa mù khoảng hai năm rồi, phải không cô?” “Ừ! Em nhớ chính xác đó! Từ ngày cô nghỉ mất sức là cô đi dạy lớp xóa mù ở đầm phá cho tới chừ luôn”

Cô Trang  là cô giáo tôi thời học trường tiểu học cộng đồng Thế Chí Tây. Mặc dù gương mặt cô bây giờ đã hiện lên nhiều nếp nhăn theo thời gian nhưng nét xưa vẫn còn đó với dáng người cao gầy, đôi mắt sáng ngời long lanh trên gương mặt hiền từ, nhân hậu. Giọng nói cô nghe ấm áp, dịu dàng mà thân mật biết bao… bởi thế, lũ học trò chúng tôi đứa nào cũng quý cô.

          Còn nhớ thời đó cả xã Điền Hòa chỉ có 2 phân hiêu trường tiểu học, phân hiệu một ở trước cổng chùa mái lợp tôn gọi là trường Tồn, phân hiệu 2 ở hói Chùa  mái lợp ngói nên gọi là trường Ngói. Tôi ở xóm 3 nên học từ  lớp một đến lớp 3 ở trường Tồn sau đó học lớp bốn, năm ở trường Ngói.

     Năm lớp 1, tôi học cô Mai mà hình ảnh của cô còn ấn tượng với tôi cho đến bây giờ đó là ngày ngày mang cái bụng bầu vượt mặt lên lớp. Thỉnh thoảng, cô ngáp rõ dài, đôi khi ngủ gật trong giờ dạy. Lớp 2, cô Nga dạy chúng tôi, mỗi ngày lên lớp, cô thường dắt theo thằng con trai tên Nhân. Bấy giờ hắn khoảng 3 tuổi nhưng cực khôn và nghịch ngợm. Hắn biết không ai dám làm gì hắn nên hay bắt nạt chúng tôi. Đến lớp 3 tôi mới học với cô Trang.

Học với cô Trang là sướng nhất bởi cô chưa chồng, không bận bịu nhà cửa, con cái nên cô rất tập trung chuyên môn để dạy dỗ học trò. Cô chăm chút cho lũ chúng tôi từng nét chữ, từng phép tính. Khi mệt mỏi cô lại kể chuyện với giọng rất  dí dỏm, hài hước làm cho học trò cứ ngoác cái miệng cá ngão ra mà nghe. Có khi cô tập hát cho chúng tôi. Lớp 3 thời đó cũng đã biết phân biệt con trai, con gái chơi riêng với nhau. Trong lớp hễ có đứa nào chơi với con gái, lập tức bị lũ con trai chọc quê muốn khóc luôn! Rứa mà cũng  có hai đứa thường hay chơi với con gái đó là thằng Ngọc và thằng Đợi. Dù lớp có chọc mấy chúng nó cũng không xấu hổ. Cũng chính hai thằng này hay lên biểu diễn bài múa “Kìa con bướm vàng” trước lớp cho các bạn coi. Chúng nó múa dẻo hơn cả bọn con gái. Thằng Ngọc nay ở Đà Nẵng nghe nói làm ăn khá lắm. Nó đầu tư về xây lăng mộ và  nhà từ đường to nhất làng đến nay vẫn chưa xong. Còn thằng Đợi người làng Phú Nông qua làng Thế Chí Tây tản cư theo học với chúng tôi, kể từ ngày giải phóng năm 1975 đến nay “bặt vô âm tín” không biết nay ở chỗ mô?

          Đặc biệt, cô Trang giảng bài hay lắm. Với chất giọng trong trẻo, mỗi lần đọc thơ, kể chuyện cổ tích, chuyện lịch sử mà từng câu, từng chữ lúc lên bỗng, lúc xuống trầm cứ như hớp hồn lũ học trò chúng tôi. Cho đến giờ tôi vẫn ấn tượng những câu chuyện cổ tích như “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”, “Cây khế”… chuyện kể lịch sử như “Trần Hưng Đạo 3 lần phá tan Nguyên Mông”, “Lê Lợi đánh tan nhà Minh”, “Vua Quang Trung đại phá quân Thanh”….

Kể cũng lạ, ngày ấy ở bậc tiểu học chúng tôi chỉ học nội dung vỏn vẹn trong cuốn sách “8 môn học yếu lược” thế mà học đến đâu nhớ đến đó. Có những bài thơ câu chuyện kể về cuộc sống đời thường nhưng gây ấn tượng rất sâu sắc về  tính nhân văn và đạo đức con người. Kết thúc một bài đọc về chuyện đạo đức thường được ghi nhớ bởi 2 câu lục bát, tỷ như “ Thương người, người lại thương ta/ Làm ơn chẳng thiệt đâu mà vội lo”, hay các bài đọc thuộc lòng có nội dung rất nhẹ nhàng “Thời giờ ngưa chạy tên bay/ Hết mưa lại nắng, hết ngày lại đêm/ Đông qua Xuân lại trước thềm/ Hè về rực rỡ êm đềm Thu sang”…. đại loại như vậy nhưng bây giờ lớn rồi tôi mới hiểu dụng ý của người làm sách là nhằm giáo dục cho học trò biết quý trọng thời gian đồng thời biết tên các mùa trong năm…. Những nội dung đó được cô giáo tôi chuyển tải hết sức sinh động.

       Và cứ thế, hằng ngày, hằng giờ, cô giáo của chúng tôi miệt mài đem từng hơi thở, nhịp đập của trái tim yêu trẻ cháy bỏng được cô đọng trong từng bài giảng đến với lũ học trò thơ dại của mình nơi miền quê nghèo mà nổi tiếng hiếu học. Đó là những ấn tượng về cô giáo của mình thời tôi còn là cậu học sinh tiểu học trường làng mà cho đến bây giờ tôi không bao giờ quên....

       Ngày ấy, lũ học trò chúng tôi tinh nghịch nhưng hồn nhiên lắm! Đặc biệt, đối với thầy cô giáo, chúng tôi xem như là thần tượng của mình. Bởi thế, chúng tôi thường hay bênh vực cô mỗi lần cô tôi bị  mấy anh thanh niên trong làng trêu ghẹo. thậm chí họ còn cho tiền lũ trẻ chăn trâu dùng đinh đục vào vách phía ngoài lớp học câu “Cô Trang ơi, lấy chồng cho rồi kẻo già” ...nhưng cô cũng mặc, không bao giờ có biểu hiện bực bội gì cả... Số là vì cô tôi đã lớn tuổi nhưng không chịu ai! Người trong làng đồn rằng cô phải lòng một anh lính nhưng anh ta đã bị mất tích trong một lần hành quân, từ đó cô cứ nuôi hy vọng có ngày gặp lại người xưa cũ... nhưng cái ngày ấy cho đến nay vẫn chỉ là vô vọng....Thế mới biết lòng thủy chung của con người trong cô tôi thật  vô bờ bến!

        Sau năm 1975, cô tôi vẫn  tiếp tục nghề phấn bảng mà thời bấy giờ người ta gọi là “Cán bộ lưu dung” đến năm khoảng 1987 hoặc 1988 gì đó vì tình hình sức khỏe không thể tiếp tục đứng lớp được nữa, cô tôi xin được nghỉ mất sức. Từ đó, một mình cô lăn lộn với cuộc sống đời thường. Cô mở một quán nước nhỏ ở gần đình làng buôn bán để kiếm sống qua ngày.... Nhưng cái nghiệp dạy học vẫn đeo bám lấy cô khi cô tiếp xúc với các cháu thất học vùng Đầm Phá. Nhìn các cháu ngày ngày theo cha mẹ lặn ngụp ngoài Phá Tam Giang để kiếm mớ tép, con cá đem đổi lấy gạo ăn, gia đình các cháu nghèo quá nên các cháu không được đi học. Thấy thương các cháu, cô bèn đăng ký dạy lớp bổ túc ban đêm cho các cháu, mong sao lớn lên, chúng biết đọc,  biết viết, biết làm tính đơn giản để khỏi mặc cảm với xã hội....

  Đò đang chạy thẳng bỗng bánh lái bẻ ngoặc, từng con sóng vỗ nhẹ lên mạn đò tạo nên âm thanh lụp bụp,  mũi đò chuyển hướng, tiếng anh Chắm chủ đò xóa tan ký ức của tôi “Đò sắp cập bến Chợ Biện, bà con chuẩn bị đồ đạc để về nhà”

      Trước mắt tôi, xóm chợ Biện hiện lên với lũy tre xanh rõ mồn một, nổi bật trên nền lúa chín vàng trải dài khắp cánh đồng. Trên bến đò, người và xe vận tải đứng đợi đón người và hàng từ Huế về đông như hội.

      Đò cập bến, tôi nhanh chóng chuyển giúp cô chiếc xe đạp và một số đồ đạc. Hai cô trò chia tay nhau mà mỗi người một tâm trạng. Tôi nán lại bến đò một lúc chờ dáng cô khuất hẳn vào rặng tre chợ Biện mới trở lại mui đò dắt chiếc xe đạp rồi lững thững đạp chậm rãi trong niềm xúc động khó tả.

       Chuyến đò đó đã xảy ra cách đây khoảng 18 năm về trước mà tôi vẫn nhớ như ngày hôm qua.... Đó là nơi mà tôi được có cơ hội ôn lại những ký ức tốt đẹp về cô giáo của tuổi thơ dại khờ nhưng đầy ắp những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí tôi. Cô ơi! Cuộc đời cô như chuyến đò thời gian. Cô đem niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác nhưng chấp nhận hy sinh tất cả bản thân mình.... Và ở đâu đó khắp trên đất nước này, những đứa học trò năm xưa của cô bây giờ có người đã thành ông, thành bà, làm nhiều nghề khác nhau để kiếm kế sinh nhai....Nhưng tôi tin rằng tất cả đều ghi nhớ công ơn của cô đã dạy dỗ cho họ nên người.
        Năm ngoái đây, tôi lại gặp cô ở thành phố Buôn Ma Thuột tại lễ cưới một đứa cháu họ của cô. Hỏi thăm mới biết nay cô không ở làng nữa mà vô Phan Rang ở với đứa cháu. Ngày ngày đi lễ chùa hoặc nhà ai có việc tang tế thì cô đến giúp việc tụng niệm, lấy việc Phật sự để vui tuổi già, sống trọn quãng đời còn lại trong thanh bạch....

Buôn Ma Thuột, ngày lập đông, năm Nhâm Thìn - 2012   

Đặng Đăng Phước

dangphuoc2007@gmail.com
 Bản để in  Lưu dạng file  Gởi bạn bè Lượt truy cập: 8706
  CON VỀ HUẾ  [24.07.2017 12:38]
  BÀI HÁT: VỀ PHÁ TAM GIANG - Sáng tác: Bảo Phước  [27.05.2016 21:03]
  THƠ: ĐỒNG HƯƠNG LÀNG THẾ CHÍ TÂY!  [13.02.2015 10:41]
  TỪ CUỘC ĐỜI HAI NGƯỜI MẸ CỦA TÔI, SUY NGHĨ VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI HÔM NAY!  [05.03.2014 18:48]
  MÓN QUÀ CHIỀU CUỐI NĂM  [30.01.2014 17:20]
  Thơ  [01.10.2013 12:30]
  NỔI NHỚ!  [01.08.2013 20:47]
  TIỄN CON!  [27.07.2013 15:23]
Chuyển đến trang 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  [sau]
 

  TẤM LÒNG VÀNG
  TRI ÂN
  TỪ THIỆN
  KHUYẾN HỌC
  TIN VẬN ĐỘNG
  HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
  HỌC BỔNG & KHEN THƯỞNG

  GIAO LƯU
  Tuyển Dụng
  Gia đình Online
  Nhân Vật - Sự Kiện
  Tác Giả & Tác Phẩm
  CLB Đồng Hương Trẻ
  Sinh Viên & Thanh Niên
  Thế Chí Tây ở Hải Ngoại
  DOANH NGHIỆP DOANH NHÂN
  CÔNG TY
  TƯ NHÂN
  ĐĂNG KÍ GIAN HÀNG

Tra cứu nhà tài trợ
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
[ Xem tất cả ]

Tin tức mới
THƯ MỜI HỌP MẶT MINH NIÊN GIÁP THÌN 2024
BÁO CÁO TỔNG KẾT
THƯ NGÕ CỦA CHÙA THẾ CHÍ TÂY -ĐẠI LỄ TRAI ĐÀN
BÁO CÁO SƠ KẾT CÔNG TÁC TỪ THIỆN NĂM 2023 - NĂM THỨ 11
LAN TỎA YÊU THƯƠNG
Khi sáp nhập hai xã Điền Lộc và Điền Hòa (huyện Phong Điền) thành phường trong tương lai, đô thị này được xác định sẽ là động lực phát triển mới ở phía bắc của Huế.
DANH SÁCH ĐÓNG GÓP MINH NIÊN 2023
ĐỒNG HƯƠNG THẾ CHÍ TÂY TẠI TP. HCM HỌP MẶT ĐẦU NĂM
THƯ MỜI HỌP MẶT MINH NIÊN QUÝ MÃO

Lịch vạn niên

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Dự báo Thời Tiết
Tỷ Giá Ngoại Tệ
Giá Vàng
Chứng khoán

Visitors
 Online: 001
 Hits 000000001
  DANH MỤC TIN TỨC
Ẩm Thực
Học Đường
Bạn Đọc Viết
Khuyến Nông
Văn hóa - Lịch sử
Cáo Phó - Tang Lễ
Thế Giới Quanh Ta
Sức Khỏe Cộng Đồng
Cảm Nhận Quê Hương
Di Tích - Danh Thắng Huế

Video Mới nhất    
Tât niên CLB đồng hương 2013
Mùa Hoa Mai Hẹn - TCT
Bài hát về Điền Hòa quê tôi
Họp Mặt TCT TPHCM Tân Mão 2011
Thế Chí Tây quê tôi
TCTHCM2010-2
TCTHCM2010 - 1
Cọp đón xuân
Thủy Tổ Nguyễn Văn-Lễ tạ lăng
Xem tất cả

Tin xem nhiều    

Chatbox    

Ảnh sinh nhật    

Logo Công ty    

Logo Tư nhân    

Liên kết web    

QUẢNG CÁO    

Sinh Nhật TV CLB    

Nguyễn Văn Nam   15 - 04
Hồ Ngọc Phú   20 - 04
Hồ Thị Kim Anh   20 - 04

Trang chủ | Lời ngỏ | Tin tức | Hình ảnh | Gửi bài viết | Thông báo chung
Copyright 2009 Đồng Hương Thế Chí Tây
Quản trị nội dung trang thông tin các thành viên Đồng Hương Thế Chí Tây.
Design by Vihan