Người đàn ông ấy đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, kể cả lúc đau khổ nhất đó là lúc người vợ mà ông rất mực thương yêu đã bỏ ông ra đi trong cơn bạo bệnh nhưng tính ông vốn thế, luôn lạc quan yêu đời. Lúc vui thì không nói gì chứ lúc buồn, tôi chưa nghe ông than thở bao giờ!
Tôi biết ông từ ngày còn nhỏ bởi nhà tôi cùng xóm với ông, những năm thời bao cấp, gia đình tôi thiếu thốn, thường được vợ chồng ông giúp đỡ, cho mượn khi vài thúng khoai, khi thì vài thúng lúa lúc giáp hạt! Thế cũng đã quý lắm, vì lúc đó cả xã khó khăn chứ không riêng gia đinh nào!
Tháng 6/2013, nhân chuyến về thăm làng tôi ghé thăm gia đình ông. Quang cảnh trước mắt tôi là căn nhà ông năm xưa nay ông đang cải tạo lại để làm nhà thờ. Nhìn trên nóc thấy đã gắn đủ bộ “lưỡng long chầu nguyệt”. Ông đang đứng trên sàn để sơn và hoàn thành các họa tiết. Thấy tôi đến thăm, ông vội xuống đất để tiếp chuyện tôi. Chú cháu gặp nhau tay bắt mặt mừng! Sau khi hỏi thăm sức khỏe, tôi hỏi: “Chú khởi công cải tạo ngôi nhà từ khi nào?” “Khoảng tháng rưỡi rồi cháu” – ông đáp. Ngừng một lát, ông nói tiếp: “Phòng đệ tam Nguyễn Thiện của chú gồm có 8 ông cố đồng hàng kể cả có tự lẫn vô tự đều thờ ở đây cả! Ngoài ra, lớp con cháu của các ngài nữa… Hiện Phòng đệ tam, chỉ có mình chú ở làng nên việc nhang khói cho ông bà tổ tiên tất nhiên chú phải gánh vác. Đó là việc hiếu sự mà ai cũng phải làm cả. Được cái các bác, các chú và con cháu ở xa cũng thường xuyên quan tâm gửi tiền về để xây dựng mồ mả của tổ tiên ông bà, đó là điều đáng mừng!”
Chia sẻ với tôi về tương lai thờ phượng ông bà tổ tiên, ông nói “Chú nghĩ, năm ni chú 80 tuổi, cũng gần đất xa trời rồi, nếu sau ni chú qua đời mà không có nơi thờ phượng tổ tiên cho đàng hoàng chú áy náy lắm! Vả lại, các bác các chú ở phương xa mỗi lần có phương việc ở quê muốn về tổ chức mà nhà ni không phải là nhà thờ của phòng thì người ta cũng ngại. Hơn nữa, cũng chính mảnh đất ni là nơi ông quan bố chánh đã gầy dựng nên cơ nghiệp truyền lại cho con cháu nên chú tự nguyện viết giấy hiến ngôi nhà ni cho Phòng đệ tam Nguyễn Thiện – họ Nguyễn Đăng (Đỉnh canh đường tam trại) làm nhà thờ”
Theo tôi biết, ngôi nhà này được xây dựng khoảng cuối năm 1970, lúc đó tôi còn nhỏ, tôi đã thấy ông rất tháo vác! Cả mấy cha con tự đúc bờ lô, đúc ngói rồi ông kêu thêm thợ cùng ông xây nên ngôi nhà 3 gian, có verandah rộng rãi lúc bấy giờ phải nói là hoành tráng thuộc hạng nhất làng! Ngôi nhà ấy trải qua thời gian dài như thế nhưng vẫn vững chãi, bề thế cho đến hôm nay. Cũng chính tại ngôi nhà này, ông đã chăm sóc phụng dưỡng không chỉ bà nội ông mà còn các mệ con ông cố (tôi gọi bằng cố ngoại), đồng hàng với ông nội ông mà tôi được biết như Mệ M, Mệ T… Chính mắt tôi trông thấy ông tự tay chăm sóc, tắm rửa, giặt giũ cho bà nội ông và các bà M, bà T mà không hề để vợ con phải làm.
Để bà con không phải đoán già, đoán non, người mà tôi đề cập đến là ai, tôi xin nói ngay đó là ông Nguyễn Thiện Vịnh, hiện ở thôn 6 xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh TT – Huế

Ông Nguyễn Thiện Vịnh đang cải tạo Từ đường Phòng Đệ tam
Nguyễn Thiện - Họ Nguyễn Đăng làng Thế Chí Tây
Ông là con cả, mà cũng là con trai duy nhất trong một gia đình có bốn anh em hiện còn sống tất cả. Theo tìm hiểu của người viết bài này, ông là cháu đời thứ tư của quan bố chánh sứ, hàm tam phẩm triều nhà Nguyễn. “ngày xưa, ông bố chánh giàu lắm, đất đai, ruộng trưa không biết bao nhiêu mà kể. Đến đời con ông bố chánh do tranh làm phò mã vua không thành, đã bán cơ man nào ruộng đất, chỉ giữ lại mảnh đất cha ông để lại duy trì cho con cháu đến bây giờ”. “Thời đó, trong mảnh đất này, ông nội của ông dựng cả rạp hát bội, chính ông cũng là kép chính của gánh hát, ông nội ông Vịnh hát rất hay!” - Bà nội tôi kể lại!
Ông không hay nói về mình, nhưng từ nhỏ tôi đã từng chứng kiến ông làm nhiều hơn nói, ra việc gì ông cũng tháo vác hơn người. Ngày mới giải phóng, ông từng làm kế toán đội, rồi đội trưởng đội sản xuất, rồi ban kế hoạch HTX…Chính như nghề thợ nề mà đến nay ông đang làm, ông cũng chẳng học ai mà sao ông làm rất giỏi! Nay tuổi 80 nhưng ông vẫn miệt mài lao động… Ông chăm chỉ thế cũng vì đau đáu một nổi làm sao có tiền để lo cung đốn mồ mả tổ tiên ông bà! Ông lên kế hoạch từng năm rồi lặng lẽ thực hiện. Một mặt do nổ lực của ông, mặt khác do ủng hộ của chú bác, con cháu nội ngoại, hiện ông đã lo xây lăng, xây vành, nhà bia (tùy vị thế của người đã khuất trong phòng) cho toàn bộ Phòng đệ tam, và theo như ông nói “Xây xong từ đường cho phòng đệ tam là nguyện vọng cuối cùng của chú”
Khi nói chuyện với tôi, ông cho biết theo kế hoạch, việc cải tạo ngôi nhà thành từ đường của phòng đệ tam đến tháng 7/ 2015 là khánh thành. Ông còn nóii rằng khi ông đưa ra ý tưởng này, tất cả các con của ông đều ủng hộ! Kể cả các bác, các chú cùng con cháu nội ngoại đều hưởng ứng! Đó là dấu hiệu đáng mừng! Ông tâm sự “Đời người việc lớn nhất là hiếu sự, còn của cải, tiền bạc chỉ là phù vân…. Nay có mai không, không thể biết được! Cháu hãy ghi nhớ lấy lời của chú!”
Tạm biệt ông trong chiều hè vàng nắng, tiết trời oi ả nhưng trong lòng tôi cảm thấy mát mẽ vô cùng bởi những lời khuyên của ông luôn văng vẵng bên tai! Vâng! Cháu sẽ ghi nhớ lời chú! Chú là tấm gương cho con cháu học tập! Trong đầu tôi bất chợt hiện lên một ngôi từ đường lộng lẫy, tráng lệ tọa lạc tại thôn 6 – xã Điền Hòa, huyện Phong Điền – TT – Huế! Tôi thầm chúc điều đó thành hiện thực!
Bài và ảnh: Đặng Đăng Phước
Buôn Ma Thuột, ngày 27 tháng 6 năm 2013 |