“PHONG LAI TÁC NGHỆ, THẾ CHÍ CANH ĐIỀN” - Đặng Đăng Phước
Tại phiên tòa, đích thân vua Tự Đức nghị án, sau khi nghe trình bày của nguyên đơn và bị đơn, nhà vua bèn phán rằng:
“Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, Đông, Tây cũng làng Thế Chí.
Phong Lai Thượng, Phong Lai Hạ, Thượng, Hạ cũng làng Phong Lai.
Phong Lai tác nghệ, Thế Chí canh điền!” |

Phá Tam Giang thuộc phủ Thừa Thiên (xưa) nay thuộc tỉnh TT.Huế.
Dân gian có câu:
"Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang..."
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Phá Tam Giang ở địa phận hai huyện Phong Điền và Quảng Điền, trước gọi biển cạn (Hạt Hải), năm Minh Mệnh thứ 2 đổi tên như hiện nay, nam bắc dài 30 dặm, đông và tây rộng chừng 6 dặm.
Từ hạ lưu sông Lương Điền (Ô Lâu) chảy xuống phá, về phía tây nam có dòng nước đổ vào một là cửa sông Tả, một là cửa sông Trung, một là cửa sông Hữu.
Mỗi dòng đều chảy chừng 2, 3 dặm mà vào nên gọi là phá Tam Giang, lại chảy về phía đông nam 25 dặm, mà hợp với sông Hương để ra cửa Thuận An. Nước sông sâu rộng, thường có sóng gió bất trắc, thuyền đi nên đề phòng”.
Tuy nhiên, wikipedia tiếng Việt lại mở rộng vùng đầm phá đến tận cửa Tư Hiền, theo Wikipedia: "Phá Tam Giang là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang khoảng 52 km², trải dài khoảng 24 km theo hướng tây tây bắc-đông đông nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận của bốn huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tọa độ trung tâm phá khoảng 16°37′55″B 107°28′19″ĐTọa độ: 16°37′55″B 107°28′19″Đ. Phá Tam Giang là một phá lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của cả nước.
Độ sâu của phá này từ 2–4 m, có nơi sâu tới 7 m. Hàng năm khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại. Hiện nay có kế hoạch nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu qua Phá Tam Giang để có điều kiện phát triển kinh tế và du lịch tại vùng này".
Chúng ta cùng chấp nhận 2 cách định danh trên để ai có điều kiện thì nghiên cứu sâu thêm, xin tạm không bàn ở đây.
Phá Tam gia có cảnh quan kỳ thú, đặc biệt có nguồn thủy sản rất đa dạng, phong phú, chất lượng cao khó nơi nào sánh được!
Cư dân sống ven Phá Tam Giang đoạn đầu Phá, phía bờ Đông có làng Thế Chí (Tây, Đông) huyện Phong Điền với cánh đồng lúa nước rộng mênh mông. Ngoài làm lúa nước, dân làng Thế Chí còn đánh bắt cá trên Phá Tam Giang ….
Phía bờ Tây có làng Phong Lai (Thượng, Hạ) thuộc xã Quảng Thái – Quảng Điền ít ruộng chủ yếu sống nhờ đánh bắt cá trên Phá Tam Giang và nghề trồng thuốc lá trên đất cát ở Truông Lai Hà ….
Tương truyền vào thời vua Tự Đức có vụ xích mích giữa 2 làng Thế Chí và Phong Lai do tranh chấp đánh bắt cá trên Phá Tam Giang, làng Phong Lai có đơn kiện lên triều đình Huế.
Lúc bấy giờ quan triều Nguyễn có ông Phan Đình Bình tự Nhẫn Trai, đậu tiến sĩ năm Tự Đức thứ 2 (1849), nhậm chức Tham Tri Bộ Binh người làng Thế Chí Đông, riêng làng Phong Lai bên nguyên đơn không có thân thế gì cả!
Sau một thời gian vua cho người về điều tra, xem xét mọi việc …đến khi xử án ai cũng tưởng làng Thế Chí sẽ thắng kiện….
Tại phiên tòa, đích thân vua Tự Đức nghị án, sau khi nghe trình bày của nguyên đơn và bị đơn, nhà vua bèn phán rằng:
“Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, Đông, Tây cũng làng Thế Chí.
Phong Lai Thượng, Phong Lai Hạ, Thượng, Hạ cũng làng Phong Lai.
Phong Lai tác nghệ, Thế Chí canh điền!”
Với kết luận của vua Tự Đức, làng Phong Lai thắng kiện, được quyền đánh bắt khoảng ¾ bề rộng mặt Phá Tam Giang tính từ phía bờ Tây.
Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi ...vua Tự Đức anh minh, quan lại bấy giờ trung quân giữ phép nước, không cậy quyền cậy thế cục bộ địa phương nên mới xử cho làng Phong Lai thắng kiện.
Vua xử như thế rất hài hòa, thấu tình đạt lý, tạo điều kiện cho dân làng Phong Lai làm ăn sinh sống và phát triển cho đến ngày nay!
Ngày nay dân còn truyền khẩu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cho từ địa phương:
"Thuốc lá Phong Lai
Khoai lang Thế Chí,
Bầu bí Kế Môn
Nưa, môn Điền Hải,
Rau, cải Đại Lộc"
P/S: Cảm ơn anh Cao Ngọc Dũng người làng Thế Chí Đông đã cung cấp thêm thông tin bổ ích cách hiểu thêm tên gọi Phá Tam Giang.
Nguồn: Thư Viện âm nhạc - dangdangphuoc |