Cháo vạt chờng (vạt giường) hay còn gọi là bánh canh, tuy là một món ăn khá quen thuộc ở nhiều vùng nhưng lại được biến tấu đôi chút để trở thành món ăn riêng biệt ở quê tôi. Nó tương tự món bánh canh cá lóc, hay bánh canh chả...Tuy nhiên nguyên liệu để nấu lại khác. Sợi bánh canh được làm từ bột mì được nhồi kỹ rồi cắt sợi. Nồi nước dùng có thể là thịt heo cắt miếng nhỏ xào trước hoặc giò heo được ninh sẵn. Sợi bánh canh được thả vào nồi nấu chung với thịt cho đến khi chín mềm sau đó nêm đủ gia vị cho vừa ăn. Những ngày trời se lạnh, được ăn một tô cháo vạt chờng của O Thu, O Thảo thật ấm bụng vô cùng.
Cháo vạt chờng của O Thu ngon nhất vẫn là món cháo vạt chờng chay mỗi rằm hay mùng một hàng tháng... Dường như có một sức hút đặc biệt nào đó mà một món ăn dường như rất đơn giản mà lại thu hút khách đến vậy. Món bánh canh chay được nấu với đậu hũ chiên giòn, nấm rơm xào qua với gia vị được thêm vào bởi bí quyết từ bàn tay của người phụ nữ tần tảo. Để nấu được một nồi bánh canh to, ít ra cũng mất vài tiếng đồng hồ để nhồi bột, thái sợi... Sáng phải dậy thật sớm để nấu cho kịp giờ. Nhà tôi may mắn khi ở gần nhà O Thu và không phải mất công xếp hàng chực chờ để được thưởng thức...

Nồi cháo đầy ắp vào buổi sớm.
Tạm xa Huế, tôi về lại Sài Gòn, nơi đời sống ẩm thực cũng nhộn nhịp không kém. Nhưng vẫn thấy tiếc vì không thể nếm được món cháo vạt chờng đặc trưng như ở làng tôi... Tôi mon men hỏi số điện thoại O Thu nhờ chỉ cách làm. O chỉ cho tôi từng li từng tí nhưng dù cách nào cũng không thể nếm được cái vị như ở quê. Món bánh canh chay tôi nấu sao bằng món ruột của người phụ nữ đã hơn 10 năm với nghề và cũng không thể ngon hơn khi ăn một mình nơi đất khách. Bởi một món ăn ngon không chỉ hiện diện qua những thứ trên bát mà chính là cái không khí của bữa ăn. Tôi thấy nao lòng vì nhớ nhà, nhớ Huế, nhớ những cơn mưa vẫn đang rả rích ở miền quê xa lắc kia.
NTTTR
Theo Hà Dung - Khai Tâm (cadn.com.vn)
|